Trải qua 8 năm hình thành và phát triển và sau gần 3 năm đi theo mô hình phát triển phần mềm tự do nguồn mở chuyên nghiệp, NukeViet đã giành được những thành quả nhất định. Ngay sau khi chuyên nghiệp hóa, năm 2010, NukeViet được bộ GD&ĐT chính thức khuyến khích sử dụng trong thông tư số 08/2010/T-BDGDT, tiếp đó NukeViet được trao giải Nhân tài đất Việt 2011 dành cho sản phẩm công nghệ thông tin đã ứng dụng rộng rãi.
Vượt qua khuôn khổ của một sản phẩm phần mềm, NukeViet đã xây dựng được cả một cộng đồng người sử dụng, tình nguyện viên và lập trình viên tham gia phát triển và dần hoàn thiện theo đúng con đường và lộ trình phát triển của phần mềm tự do nguồn mở. Cộng đồng NukeViet đã đạt con số hơn 27.000 thành viên, ước tính khoảng 50 công ty thiết kế web đã và đang sử dụng NukeViet để làm website cho khách hàng, trên 4000 website đang vận hành bằng NukeViet, nhu cầu cho phát triển NukeViet cũng vì thế mà dần tăng lên, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía.
Xuất phát từ nhu cầu đó, Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES.,JSC - Đơn vị chủ quản phần mềm tự do nguồn mở NukeViet) tổ chức “
Hội nghị người dùng và các nhà phát triển NukeViet năm 2013”. Đây là chương trình Offline lớn nhất từ trước đến nay của cộng đồng NukeViet với nhiều thông tin và hoạt động bổ ích dành cho những thành viên yêu thích NukeViet, các lập trình viên, các công ty thiết kế web, các trung tâm đào tạo lập trình PHP, các công ty hosting và các đối tác quan tâm đến NukeViet... tất cả đã tụ họp để cùng thảo luận xây dựng và phát triển NukeViet lớn mạnh hơn, hữu ích hơn, trở thành sản phẩm chung, niềm tự hào chung của người Việt Nam.
Về phía đại biểu khách mời có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB PMTDNM Việt Nam, Ông Lê Trung Nghĩa - Chuyên viên PMTDNM - Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học Công nghệ - Bộ KHCN, Ông Hồ Văn Hương - Giám đốc TTTT - Ban cơ yếu chính phủ, Ông Trần Tất Hợp - Tổng biên tập Tạp chí TH&ĐS, cùng các phóng viên, nhà báo đến từ Báo Nhịp Sống Số, Báo Hà Nội Mới, PC World Việt Nam, Tạp chí Thương mại và Bán lẻ, Xã hội thông tin, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Báo điện tử VnEconomy, Báo ICTNews, Tạp chí TH&ĐS, Kênh truyền hình đầu tư InvestTV - VCTV15, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình VTC...
Từ trái qua: ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), ông Trần Tất Hợp - TBT tạp chí TH&ĐS, ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng Ban tổ chức hội nghị.
Ảnh: Tuấn Chung. Ngoài đơn vị tổ chức là Ban Quản Trị NukeViet & Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam, chương trình còn có sự góp mặt của gần 50 thành viên đến từ Ban điều hành diễn đàn, đội ngũ phát triển NukeViet, các thành viên thường xuyên sử dụng NukeViet, các công ty cung cấp hosting, các trường/trung tâm đào tạo lập trình PHP, các đối tác và các nhà tài trợ,… đặc biệt là sự hiện diện của rất nhiều tổ chức/cá nhân sử dụng NukeViet để lập trình, thiết kế website và cung cấp dịch vụ nói chung... dựa trên nền tảng NukeViet.
Khách mời tham dự hội nghị. Ảnh: Tuấn Chung.
Tham dự hội nghị lần này, các chuyên gia cũng như người sử dụng PMTDNM NukeViet đã thảo luận nhiều vấn đề như: mô hình phát triển của phần mềm tự do nguồn mở; sử dụng Github và tham gia phát triển code NukeViet; xu hướng SEO của thế giới; cách thức tham gia, xây dựng cộng đồng PMTDNM hiệu quả; thảo luận và phổ biến các chuẩn sử dụng trong lập trình NukeViet... (xem chi tiết nội dung chương trình, tài liệu và video hội nghị
tại đây!)
Nhân dịp này, Công ty VINADES cũng giới thiệu đến người dùng công cụ chuyển đổi dữ liệu của người sử dụng Yahoo blog (đã ngừng hoạt động) sang NukeViet và trình diễn ngay tại hội nghị việc chuyển đổi Blog về PMTDNM của diễn giả Lê Trung Nghĩa với trên 4.300 bài viết với hơn 100MB dữ liệu văn bản. Công cụ được đóng gói dưới dạng module và đã được đưa lên kho ứng dụng của NukeViet để mọi người có thể tải về và chuyển đổi Yahoo Blog sang NukeViet để sử dụng.
Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam - đánh giá: Việc phát triển thời gian qua của mã nguồn mở NukeViet rất ấn tượng, đạt được những tầm cỡ nhất định và đáng tự hào vì đây là phần mềm hoàn toàn do người Việt phát triển. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo NukeViet cần sớm "quốc tế hoá" và đưa NukeViet ra “biển lớn” để cung cấp cho toàn thế giới thay vì chỉ sử dụng trong nước. Ngoài ra NukeViet cũng cần đặc biệt quan tâm đến xu hướng công nghệ đang lên ngôi trên thế giới như điện toán đám mây (cloud) hay dữ liệu lớn (big data)... Ông cũng đề xuất việc NukeViet nên thành lập Quỹ NukeViet để hậu thuẫn cho việc phát triển NukeViet.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Tuấn Chung. Tại hội nghị, đại diện ban tổ chức và cũng là đơn vị phát triển chính của NukeViet - công ty VINADES - ông Nguyễn Thế Hùng đã tổng kết quả trình phát triển 9 năm của NukeViet và những thành tích NukeViet đã đạt được, đáng chú ý là việc NukeViet đã được nhiều doanh nghiệp nghiên cứu phát triển thành các dạng ứng dụng khác nhau trên nền web để cung cấp trên thị trường. Riêng công ty chủ quản của NukeViet cũng đã phân phối nhiều dòng ứng dụng khác của NukeViet như Tòa Soạn Điện Tử, Cổng thông tin dùng cho doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền, đặc biệt là sản phẩm Cổng thông tin dành cho giáo dục (
NukeViet Edu Gate) có khả năng tích hợp hàng trăm cho tới hàng ngàn trang web các trường, phòng và sở trên cùng một hệ thống cũng như triển khai nhiều ứng dụng giáo dục trên đó. Đặc biệt việc NukeViet Edu Gate đáp ứng các yêu cầu trong Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2012 - 2013 (4987/BGDĐT-CNTT) của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 02/08/2012 (trong đó có hướng dẫn Xây dựng website của Sở, Phòng và trường theo mô hình tập trung) và thông tư số 53/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 20/12/2012 (quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử tại sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX). Bất ngờ là hệ thống NukeViet Edu Gate đáp ứng một cách hoàn hảo cho quy định về cổng thông tin điện tử của các thông tư và hướng dẫn này từ... trước khi những thông tư đó được ban hành. Như vậy bằng việc sử dụng NukeViet Edu Gate, những đơn vị đã triển khai hoàn toàn có thể yên tâm rằng việc sử dụng các sản phẩm của NukeViet được hỗ trợ đầy đủ và có lộ trình phát triển rõ ràng, luôn đáp ứng được nhu cầu sử dụng một cách nhanh chóng.
ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng Ban tổ chức hội nghị - đang tổng kết 9 năm phát triển của NukeViet.
Ảnh: Văn Minh. Chia sẻ nhiều thông tin về định hướng phát triển NukeViet trong năm 2013 và các năm kế tiếp, ông Hùng còn cho biết sắp tới công ty VINADES sẽ triển khai dịch vụ trọn gói cung cấp PMTDNM cho khối giáo dục, theo đó ngoài việc cung cấp NukeViet Edu Gate cho các phòng, sở giáo dục dưới dạng dịch vụ triển khai trên nền hạ tầng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, công ty sẽ bổ sung đầy đủ các dịch vụ chuyển dữ liệu (vào và ra khỏi đám mây để trả về cho các đơn vị sử dụng triển khai trên các hệ thống riêng khi họ có nhu cầu) với quan niệm “người sử dụng là chủ của dữ liệu”. Đây là dịch vụ trọn gói “chưa từng có” tại Việt Nam từ trước đến nay - khi mà các sản phẩm công nghệ thông tin được cung cấp dưới dạng dịch vụ thì lại không cung cấp dưới dạng sản phẩm và không trả dữ liệu cho người sử dụng để họ có thể tự quản lý dữ liệu của mình trên hệ thống máy chủ riêng.
Diễn giả
Lê Trung Nghĩa - Chuyên viên PMTDNM - Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học Công nghệ - Bộ KHCN. Ảnh: Tuấn Chung. Trong tham luận trình bày tại hội nghị, ông Lê Trung Nghĩa đã có lưu ý rất đáng chú ý về việc phải tuân thủ mô hình phát triển PMTDNM, đặc biệt tại Việt Nam nói chung và cộng đồng các nhà phát triển NukeViet nói riêng nếu không có thể chính họ sẽ giết chết chính mình và người sử dụng PMTDNM cũng như gây hại cho đơn vị phát triển. Ông Nghĩa cho rằng PMTDNM có phát triển được hay không sẽ phụ thuộc vào các nhà phát triển, còn việc các nhà phát triển có đông đảo hay không thì phụ thuộc vào người sử dụng. Để gia tăng lượng người sử dụng cách nhanh nhất là đưa PMTDNM vào khối giáo dục. Vì thế việc phát triển PMTDNM trong khối giáo dục là việc làm rất cấp bách tại thời điểm hiện nay nếu muốn phát triển PMTDNM ở Việt Nam. Kết luận tại hội nghị, ông Nghĩa cho rằng những cộng đồng như NukeViet hiện tại rất hiếm ở Việt Nam, chính vì thế ông chúc cho NukeViet lớn mạnh rất nhanh, và muốn vậy NukeViet phải phát triển đúng mô hình phát triển PMTDNM, để ở Việt Nam nó được đoàn kết và gia tăng sức mạnh, để NukeViet không chỉ có chỗ đứng ở Việt Nam mà còn vươn ra với thế giới.
Sau khi đặt nhiều câu hỏi và thảo luận tại hội nghị, ông Hồ Văn Hương - Giám đốc TTTT - Ban cơ yếu chính phủ, vốn là giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đại học cho rằng sẽ rất phù hợp nếu sử dụng NukeViet để cho sinh viên nghiên cứu học tập. Bản thân ông cũng đã giao đề tài cho một số sinh viên nghiên cứu về PMTDNM NukeViet. Đặc biệt việc kho ứng dụng NukeViet Store còn cho phép bán các ứng dụng, là cơ hội để các bạn sinh viên có thể vừa học vừa kiếm thêm thu nhập.
Phiên buổi chiều đã sôi động ngay từ những phút đầu tiên khi mở đầu bằng bài trình bày của Ông Gen Kanai đến từ Mozilla giới thiệu về FireFox OS và ý nghĩa của nó đối với các nhà phát triển web. Cả hội trường đã được hâm nóng bởi những câu hỏi thể hiện sự quan tâm đến hệ điều hành đầy mới mẻ này.
Ông Gen Kanai & anh Nguyễn Hà Dương đại diện Mozilla đang giới thiệu về hệ điều hành di động FireFox OS sắp ra mắt.
Vấn đề tối ưu hóa website cho các công cụ tìm kiếm (SEO) luôn nhận được sự chú ý của những nhà quản trị web, vì thế chủ đề SEO NukeViet & Xu hướng SEO của thế giới năm 2013 của diễn giả Lê Nam - quản trị viên phụ trách diễn đàn SEO của NukeViet - đã nhận được nhiều sự quan tâm của người nghe. Đặc biệt là những thông tin bổ ích cùng các khuyến cáo dành cho những người làm SEO chuyên nghiệp không nên SEO quá mức nếu không muốn tự gây hại cho chính mình như một số người làm SEO chuyên nghiệp đã gặp phải trong năm 2012.
Còn quá nhiều điều mà những người tâm huyết với NukeViet muốn chia sẻ cùng nhau vì thế hội nghị kéo dài đến 6h tối mà dường như chưa thỏa mãn những người còn ở lại. Ban quản trị NukeViet và Công ty VINADES cam kết sẽ tiếp tục tổ chức những sự kiện nhằm kết nối cộng đồng NukeViet khắp mọi miền nhằm đưa NukeViet đến với nhiều người sử dụng hơn nữa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Văn Minh.
Toàn bộ tài liệu về sự kiện cũng như video về hội nghị sẽ được Ban tổ chức đăng tải tại website
www.nukeviet.vn sau khi sự kiện kết thúc để những độc giả quan tâm nhưng không thể tham gia sự kiện có thể theo dõi.
Chú thích:
Phần mềm tự do nguồn mở (viết tắt là PMTDNM hay đôi khi vẫn gọi tắt là PMNM) trong tiếng anh là Free and Open Source Software (viết tắt là FOSS). Ở Việt Nam, Phần mềm tự do nguồn mở là thuật ngữ được khuyến khích sử dụng gần đây, thay thế cho hai thuật ngữ là phần mềm tự do và phần mềm nguồn mở, đặc biệt là thuật ngữ mã nguồn mở vốn được phổ biến trước đây (và cho tới ngày nay - trong cộng đồng những người chưa thực sự hiểu rõ bản chất PMTDNM).
Phần mềm tự do nguồn mở cung cấp cho người sử dụng 4 quyền: quyền sử dụng (use), sao chép (copy), nghiên cứu (study), sửa đổi (change) đây là yếu tố căn bản và là giá trị cốt lõi nhằm đảm bảo các quyền của người sử dụng một cách đầy đủ và hợp pháp, nhờ đó mà các giá trị của PMTDNM lớn hơn nhiều so với giá trị sử dụng mà một phần mềm thông thường (sử dụng Thỏa thuận giấy phép người dùng cuối - EULA - End User License Agreement) mang lại.