Khi quyết định số 235/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ngày 02/03/2004 phê duyệt Dự án tổng thể "ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008" ra đời có thể coi là bước tiên phong của Việt Nam trong việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, nó được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá về công nghệ. Tuy nhiên, đến năm 2016, sau 12 năm được thúc đẩy ở Việt Nam, việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở vẫn còn ở khâu “thay đổi nhận thức”. Hãy cùng chúng tôi tổng kết lại các hoạt động về phần mềm nguồn mở Việt Nam cũng như trên thế giới năm 2016 và những đề xuất chính sách đối với việc phát triển phần mềm nguồn mở trong giai đoạn mới, khi phong trào phần mềm nguồn mở trên thế giới đã đạt được những bước tiến vượt bậc so với 12 năm trước.
Nhìn ra thế giới
Trong 12 năm qua, phần mềm nguồn mở trên thế giới đã phát triển vượt bậc cả về công nghệ cũng như tạo đà ảnh hưởng tới các lĩnh vực có liên quan như dữ liệu mở (open data), tài nguyên giáo dục mở (OER- open educational resources), phần cứng nguồn mở (open hardware)…
Nếu như năm 2004, công cụ quản lý mã nguồn git chưa ra đời
[1], thì hiện nay nó đã trở thành công cụ cộng tác lập trình mạnh nhất thế giới. Bản thân git cũng là phần mềm nguồn mở, và nhờ có git, khái niệm “mạng xã hội dành cho lập trình viên” (social coding) cũng ra đời. Điển hình của mô hình mạng xã hội dành cho lập trình viên là github.com, đây là nơi lưu trữ kho code, nơi cộng tác làm việc của hàng chục ngàn người phát triển Linux (và vô số phần mềm nguồn mở khác) trên toàn thế giới.
Một thống kê vào tháng 2 năm 2015, chỉ tính từ năm 2005 khi bắt đầu sử dụng git, có 11.800 cá nhân từ gần 1.200 công ty đã đóng góp cho nhân Linux
[2]. Với số lượng lập trình viên lớn ở khắp mọi nơi trên thế giới, làm trong mọi khung giờ, vậy mà họ vẫn có thể cộng tác với nhau mượt mà, cũng là nhờ có công cụ quản lý mã nguồn mở git.
Các doanh nghiệp phần mềm truyền thống theo đuổi mô hình phần mềm nguồn đóng trên thế giới quen chống đối mô hình phát triển phần mềm nguồn mở cũng thay đổi 180 độ trước những lợi ích không thể chối cãi của phần mềm nguồn mở, điển hình là Microsoft. Nếu như vào năm 2001, Steve Ballmer (CEO của Microsoft) đã ví hệ điều hành Linux là “căn bệnh ung thư”, bởi hệ điều hành này đang xâm chiếm thị phần với Windows trên thị trường máy tính cá nhân, thì năm 2012, Microsoft thành lập công ty con là Microsoft Open Technology chuyên phát triển phần mềm nguồn mở
[3]. Tháng 6 năm 2016, Microsoft công bố phần mềm nguồn mở .NET Core 1.0, và gần đây nhất là Microsoft gia nhập Linux Foundation
[4], không ai ngờ Microsoft thậm chí còn là thành viên bạch kim (cấp bậc thành viên cao nhất của Linux Foundation). Những động thái này của Microsoft làm giới công nghệ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tuy nhiên những ai am hiểu lợi ích của phần mềm nguồn mở thì không hề bất ngờ, vì một trong những thứ dẫn dắt cho sự phát triển mạnh mẽ của phần mềm nguồn mở chính là lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, phần mềm nguồn mở là phương thức giúp thúc đẩy sáng tạo, đổi mới khoa học công nghệ thông qua việc hội tụ và tích lũy tri thức cộng đồng, qua việc cống hiến tài sản trí tuệ của các tổ chức và cá nhân những người tham gia thành tài sản chung cho cộng đồng nguồn mở.
Chú thích: