Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam sau nhiều năm được vận động và thúc đẩy ở Việt Nam vẫn chưa thể phát triển rộng rãi thì nay, sự ra mắt của Công ty Cổ phần phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS và phần mềm dịch vụ công trực tuyến OpenCPS cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh bằng phần mềm nguồn mở đã thực sự thay đổi.
Trước đây doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng phần mềm nguồn mở để phục vụ công việc kinh doanh nhiều, tuy nhiên trường hợp của FDS thì khác: lần đầu tiên, dưới sự giúp đỡ của VFOSSA, một doanh nghiệp ở Việt Nam đã bắt tay xây dựng cộng đồng, xây dựng và phát triển một phần mềm nguồn mở mới theo đúng cách làm phần mềm nguồn mở theo chuẩn của thế giới, mà sự hình thành của phần mềm không phải từ yêu thích công nghệ mà hoàn toàn là một chiến lược kinh doanh: chiến lược kinh doanh phần mềm dựa trên phương pháp phát triển phần mềm nguồn mở.
“Hiện tượng” này cho thấy độ chín về công nghệ, về hiểu biết, về phương pháp luận trong việc phát triển và kinh doanh phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam đối với phần mềm nguồn mở. Nó dần thay thế cho phương thức kinh doanh và phát triển phần mềm cũ theo kiểu độc quyền và phù hợp với xu thế chung của thế giới: làm việc cộng tác, chia sẻ giá trị và tri thức, chia sẻ công nghệ.
Theo cách kinh doanh phần mềm nguồn mở, tất cả tinh hoa công nghệ, thành quả sản phẩm sẽ được công khai hoàn toàn trên internet, chia sẻ tự do cho tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Một khi tinh mọi thành quả và tinh hoa công nghệ được chia sẻ và hội tụ, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khi đó mọi người dân đều được lợi, quốc gia sẽ được lợi.
Lựa chọn phương thức phát triển phần mềm nguồn mở để kinh doanh sẽ có nhiều thách thức, tuy nhiên hệ sinh thái kinh doanh của phần mềm nguồn mở sẽ là một hệ sinh thái bền vững, một khi doanh nghiệp đã thiết lập được nó một cách hoàn chỉnh, rất khó để phá vỡ nó. Rõ ràng, lựa chọn làm phần mềm nguồn mở với thương hiệu riêng chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đang tiến một bước tiến dài trong lĩnh vực nguồn mở so với việc bao năm nay chỉ chủ yếu cung cấp dịch vụ dựa trên các phần mềm nguồn mở có sẵn.
Và những thách thức vẫn còn đó…
Một sự kiện thông thể bỏ qua khi nhắc đến phần mềm nguồn mở đó là Hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở Việt Nam được tổ chức định kỳ vào tháng 12 hàng năm ở quy mô quốc gia. Đây là sự kiện dành cho các cơ quan nhà nước, do Vụ Công nghệ Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dưới sự phối hợp của CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam. Mục tiêu của hội thảo năm 2016 vẫn là “thay đổi nhận thức” của cả cơ quan quản lý trung ương và địa phương đối với phần mềm nguồn mở, trong khi thách thức lớn hơn nhiều được đặt ra bao năm qua vẫn chưa thể giải quyết triệt để:
- Luẩn quẩn bài toán con gà hay quả trứng có trước: muốn ứng dụng phần mềm nguồn mở vào trong các cơ quan nhà nước thì đòi hỏi phải có số lượng phần mềm nguồn mở phong phú & nguồn nhân lực về phần mềm nguồn mở tốt. Nhưng nhìn ở góc độ doanh nghiệp, muốn có nhiều phần mềm nguồn mở ngon thì doanh nghiệp phải thấy cơ hội và thị trường rộng mở, thị trường nguồn nhân lực cũng đòi hỏi tương tự. Chính phủ và các cơ quan quản lý đòi hỏi ở cộng đồng phần mềm nguồn mở phải thế nọ, thế kia mà quên đi vai trò là chính của cơ quan quản lý phải thúc đẩy nó phát triển vì lợi ích của chính họ, sau đó mới là lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
- Bản thân giới doanh nghiệp CNTT còn ngờ vực về tính hiệu quả dưới góc độ kinh doanh khi sử dụng phương pháp phát triển phần mềm theo dạng phần mềm nguồn mở. Nhưng lại kéo theo một vài ngờ vực của chính phủ và các nhà quản lý về việc triển khai và thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở. Trong khi đáng ra, ở góc độ quản lý, các nhà quản lý phải xây dựng môi trường tốt nhằm thúc đẩy PMNM phát triển để giới doanh nghiệp vào cuộc và hưởng ứng rộng rãi hơn.
- Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cho đến nay mới chỉ dừng lại ở việc ra các văn bản mang tính khuyến khích các cơ quan nhà nước ứng dụng PMNM mà chưa tạo được môi trường để thúc đẩy PMNM phát triển. Đơn cử, các dự án mời thầu phần mềm vẫn ngang nhiên vi phạm các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn mở, ứng dụng phần mềm nguồn mở. Trắng trợn đưa các phần mềm đóng, công nghệ đóng, dựng hàng rào kỹ thuật nhằm "chỉ định" một vài công nghệ, phần mềm nguồn đóng, từ đó loại bỏ phần mềm nguồn mở khỏi các dự án này, vi phạm ngiêm trọng tính hiệu quả, minh bạch của dự án.
- Sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng là một cản trở. Đặc biệt, sự giám sát thực thi chính sách lỏng lẻo khiến cho nhiều chính sách về phần mềm nguồn mở được ban hành nhưng không thể đi vào đời sống do không được thực thi trong thực tế.
Thay cho lời kết
Phần mềm nguồn mở chỉ có thể phát triển và mang lại lợi ích cho đất nước như kỳ vọng của nguyên phó Thủ tướng chính phủ Phạm Gia Khiêm cách đây 13 năm khi và chỉ khi các lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước thấu hiểu rằng việc triển khai phần mềm nguồn mở là cần thiết cho chính phủ (chứ không phải cần cho người dân hay doanh nghiệp).
Một khi các cơ quan quản lý nhà nước còn nghĩ rằng việc ứng dụng và thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở là của doanh nghiệp (giống như trước nay các doanh nghiệp phần mềm nguồn đóng đi quảng bá phần mềm của mình), không phải việc của chính phủ, thì đương nhiên phần mềm nguồn mở sẽ thiếu đi một trong số các động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất. Việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở sẽ manh mún, nhỏ lẻ như xưa nay nó vẫn thế. Đó sẽ là thiệt thòi cho chính phủ và người dân chứ không phải thiệt thòi cho doanh nghiệp, bởi vì không làm phần mềm nguồn mở cho chính phủ thì họ sẽ làm phần mềm nguồn đóng hoặc làm dịch vụ dựa trên phần mềm nguồn mở và âm thầm cung cấp dịch vụ cho thế giới như cách mà lâu nay họ vẫn làm.
Cách đơn giản nhất để thúc đẩy là chính phủ quy định tất cả các gói thầu phát triển phần mềm nội bộ, phần mềm đặt hàng theo yêu cầu phải được phát triển theo phương pháp phần mềm nguồn mở & cung cấp theo giấy phép phần mềm nguồn mở. Bước đi cụ thể này của các cơ quan quản lý sẽ ngay lập tức tạo ra thị trường và thúc đẩy các doanh nghiệp đi theo xu hướng mở. Từ đó các vấn đề về nhân lực, đào tạo… sẽ dần được thị trường điều chỉnh.
Nói tóm lại, việc ứng dụng và tạo môi trường thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở là trách nhiệm của chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Phần mềm nguồn mở có trở thành một bàn đạp để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay không lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng.