Phát hành NukeViet 07.2023

Phần 3: Các sự kiện phần mềm nguồn mở đáng chú ý ở Việt Nam trong năm 2016

Thứ tư - 22/03/2017 14:26
Loạt bài tổng kết 12 năm phát triển phần mềm nguồn mở của Việt Nam. Phần 3: Các sự kiện phần mềm nguồn mở đáng chú ý ở Việt Nam trong năm 2016
Tháng 1 năm 2016, phần mềm nguồn mở NukeViet chính thức ra mắt CMS phiên bản mới[b] - thế hệ NukeViet CMS 4.0. NukeViet được coi là phần mềm nguồn mở có lịch sử phát triển lâu đời nhất ở Việt Nam, được duy trì từ năm 2004 và được phát triển liên tục cho đến ngày nay. Ngoài NukeViet CMS được phát hành dưới dạng phần mềm nguồn mở, còn có NukeViet Shop sử dụng cho bán hàng trực tuyến. Số lượng website sử dụng NukeViet CMS và NukeViet Shop ước tính trên 10.000 trang. Một số giải pháp khác của NukeViet cũng được sử dụng phổ biến, bao gồm: NukeViet Edu Gate là giải pháp cổng thông tin chuyên dùng cho các phòng, sở giáo dục với khả năng tích hợp với website các trường, NukeViet Portal là giải pháp cổng thông tin chuyên dùng cho doanh nghiệp, NukeViet eNews là giải pháp tòa soạn điện tử dựa trên phần mềm nguồn mở NukeViet… Nhóm phát triển NukeViet cũng dự định ra mắt một sản phẩm nguồn mở có tên gọi NukeViet eGovernment dùng cho khối chính phủ trong thời gian tới. Sự phát triển liên tục của NukeViet là tín hiệu đáng mừng vì trong khi hầu hết các sản phẩm nguồn mở của Việt Nam hầu hết không tồn tại được quá 3 năm vì không thể kinh doanh được thì NukeViet đã tìm ra còn đường đi của mình[7].
 
Cổng thông tin của Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT xây dựng bằng phần mềm nguồn mở NukeViet, Ảnh chụp màn hình]

Cổng thông tin của Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT xây dựng bằng phần mềm nguồn mở NukeViet, Ảnh chụp màn hình
 
Tháng 2 năm 2016, Tập đoàn VNPT có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập đoàn gỡ bỏ toàn bộ phần mềm Microsoft Office và thay bằng LibreOffice nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm. Sau khi tái cơ cấu, với 15.000 nhân viên, chỉ riêng VNPT-Vinaphone sẽ cần tới 15.000 máy tính cho nhân viên làm việc, nếu số lượng máy tính này đều cần trang bị bộ phần mềm văn phòng thương mại và chi phí trung bình cho mỗi bộ phần mềm là 1 triệu đồng/năm hoặc 2 triệu đồng/ lần (nếu mua số lượng lớn) thì sẽ cần tới 15 tỷ đồng/ năm hoặc ít nhất là 30 tỷ đồng (nếu mua 1 lần, phần mềm mua một lần thường được hỗ trợ nâng cấp trong vòng 3-5 năm). Như vậy với việc sử dụng phần mềm nguồn mở LibreOffice, tập đoàn VNPT trước mắt có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đồng thời tránh được án phạt vi phạm bản quyền với mức tiền phạt không hề nhẹ, không những thế chuyện vi phạm bản quyền phần mềm có thể khiến VNPT bị cấm cửa khi kinh doanh tại các thị trường quốc tế do bị coi là cạnh tranh không lành mạnh nhờ vi phạm bản quyền phần mềm. Xu hướng chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở có thể là lối thoát cho các doanh nghiệp Việt Nam khi việc thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền phần mềm ngày càng được siết chặt. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm được nâng lên đến 500 triệu đồng. Thậm chí, vi phạm bản quyền phần mềm có thế bị xử lý hình sự. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân đối đến chuyện sử dụng phần mềm nguồn mở để thay thế[8].
 
Cũng trong tháng này, DrupalCamp Lần Đầu Tiên Tổ Chức Tại Việt Nam. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của cộng đồng Drupal Việt Nam, là dịp để các chuyên gia, lập trình viên, những thành viên yêu thích nguồn mở, đang làm việc với Drupal gặp gỡ, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm[b].
 
Tháng 3 năm 2016, với sự hỗ trợ của Open Knowledge Foundation và trường đại học Thăng Long, CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA) sẽ tổ chức Ngày Dữ liệu Mở (OpenData Day) quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam tại Đại học Thăng Long. Ngoài cộng đồng OpenData Vietnam và VFOSSA, sự kiện cũng chào đón nhiều diễn giả và khách tham dự đến từ Nhân hàng thế giới (WorldBank), các NGOs (tổ chức phi chính phủ), cơ quan chính phủ, trường đại học và cả các đại diện đại sứ quán một số nước[b].
 
Tháng 4 năm 2016, Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L (D&L) chính thức ký hợp đồng cung cấp dịch vụ triển khai phần mềm quản lý tài nguyên số Dspace cho International Centre for Education In Islamic Finance (INCEIF) tại Malaysia. Đây là hợp đồng dịch vụ triển khai phần mềm quản lý thư viện dựa trên các nền tảng nguồn mở đầu tiên của công ty D&L tại thị trường nước ngoài[[b].

Tháng 5 năm 2016, Cộng đồng OpenCPS ra mắt với 13 đơn vị, công ty thành viên. Hệ thống phần mềm lõi cho dịch vụ công trực tuyến do cộng đồng OpenCPS xây dựng đã phát hành bản chính thức đầu tiên vào 15/5. OpenCPS Được phát hành theo giấy phép nguồn mở AGPL, đây là phần mềm dịch vụ công trực tuyến được thiết kế tổng quát đáp ứng nghiệp vụ của tất cả các thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước. OpenCPS cung cấp giải pháp công nghệ sẵn sàng cho việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất (mức độ 4) và các mức độ thấp hơn mà không cần phải lập trình bổ sung ngoài phần xử lý nghiệp vụ cho từng chuyên ngành[9].
 
Tháng 9 năm 2016, sự kiện Software Freedom Day (SFD) hay còn gọi là Ngày hội Tự do Nguồn mở đã diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội với sự tham dự của hơn 500 sinh viên ngành CNTT, Điện tử viễn thông các trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam như Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bưu chính Viễn thông … Software Freedom Day (SFD) là sự kiện thường niên, được tổ chức hằng năm vào ngày thứ Bảy tuần thứ ba của Tháng 9 trên toàn thế giới, dành cho bất cứ ai yêu và quan tâm đến nguồn mở. Cộng đồng nguồn mở Việt Nam đã hưởng ứng ngày hội này từ năm đầu tiên 2004 và liên tục duy trì, mở rộng. SFD đã trở thành một hoạt động chính thức của VFOSSA – CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt nam. Sự kiện này có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy đào tạo và ứng dụng các công nghệ mở trong cộng đồng CNTT Việt Nam. Software Freedom Day 2016 được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ. Sự kiện được tổ chức bởi Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam[b].

Tháng 10 năm 2016, kho học liệu mở là các bài giảng chính thống đầu tiên ở Việt Nam ra đời dưới sự hợp tác của Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) và Cục Công nghệ Thông tin - Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: https://elearning.moet.edu.vn, dự kiến trong năm 2017, hàng ngàn bài giảng sẽ được đưa lên kho dữ liệu này nhờ việc đưa các sản phẩm tham dự cuộc thi quốc gia “Thiết kế bài giảng e-Learning” năm 2016 trở thành tài nguyên giáo dục mở. Đây cũng là năm đầu tiên sau 4 năm cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning được tổ chức, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu hướng tới xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER: Open Education Resource) được đưa thành một mục tiêu chính của cuộc thi[10].
 
Kho học liệu mở chính quy đầu tiên ở Việt Nam, Ảnh chụp màn hình]

Kho học liệu mở chính quy đầu tiên ở Việt Nam, Ảnh chụp màn hình

Ngày 22/11/2016, Cục đường thủy nội địa Việt Nam khai trương 32 dịch vụ công trực tuyến mức 3&4 thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa. Các dịch vụ này được xây dựng dựa trên phần mềm nguồn mở OpenCPS. Như vậy OpenCPS trong thời gian ngắn đã chính thức đánh dấu sự hiện diện của mình trong lĩnh vực Dich vụ công ở các Cơ quan quản lý Nhà nước.
 
 
Chú thích:
[7] “Phần mềm vận hành website của người Việt NukeViet CMS 4.0 có gì mới?”, nguồn: http://ictnews.vn/cntt/phan-mem/phan-mem-van-hanh-website-cua-nguoi-viet-nukeviet-cms-4-0-co-gi-moi-138866.ict
[8] “VNPT chuyển sang dùng phần mềm văn phòng nguồn mở LibreOffice”, nguồn: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/vnpt-chuyen-sang-dung-phan-mem-van-phong-nguon-mo-libreoffice-135922.ict
[9] “13 doanh nghiệp nguồn mở “bắt tay” cung cấp giải pháp dịch vụ công trực tuyến”, nguồn: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/13-doanh-nghiep-nguon-mo-bat-tay-cung-cap-giai-phap-dich-vu-cong-truc-tuyen-137924.ict
[10] “Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning hướng tới tài nguyên giáo dục mở”, nguồn: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-thi-quoc-gia-thiet-ke-bai-giang-e-learning-huong-toi-tai-nguyen-giao-duc-mo-139695.ict
 
Nguồn tham khảo:
[a] Các bài dịch của tác giả Lê Trung Nghĩa: http://letrungnghia.mangvn.org/Government/
[b] Các tin tức trên website của CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam: http://vfossa.vn
--
Loạt bài được đăng trên Tạp chí CNTT&TT kỳ 1 tháng 12 năm 2016

Tác giả: Nguyễn Thế Hùng

Nguồn tin: http://vfossa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây