Phát hành NukeViet 20.07.2024

Các phóng viên và Copywriters: hãy thôi ngay việc ghi "nguồn: internet"

Thứ sáu - 01/09/2017 06:28
Bây giờ là thời đại của dữ liệu mở, không hiếm các website cho sử dụng nguồn tại liệu miễn phí và chỉ yêu cầu ghi rõ nguồn. Thậm chí, còn có những website ghi rõ sử dụng giấy phép tư liệu mở CC (Creative Commons). Nhưng ngay cả tự do như đã được cấp phép tư liệu mở thì việc phải ghi rõ giấy phép, nguồn tư liệu cũng là bắt buộc.
Ảnh chụp màn hình trang tìm kiếm hình ảnh bằng Google
Ảnh chụp màn hình trang tìm kiếm hình ảnh bằng Google
Tôi thấy rất thú vị với quan điểm của anh Tuấn Hà (CEO Vinalink) khi cho rằng Copywriter = copy+ write (Sao chép + viết (lại)). Nhiều người đả kích anh khi cho rằng người làm nghề Copywriter hay Content writer/ content marketing phải là người sáng tạo ra cái mới!

Theo tôi, Copywriter = copi+ write là đúng, nhưng cần tuân thủ luật bản quyền. Vì thế công thức của anh Tuấn Hà, để tránh bị hiểu nhầm thì nên được viết lại: Copywriter = copy(right) + write. Tức là được copy nhưng cần trên cơ sở tôn trọng bản quyền.

Tuy nhiên, tình trạng copy dường như tràn lan, còn việc tuân thủ bản quyền, tối thiểu nhất là link đến nguồn tư liệu tham khảo, dường như không có trong thói quen của nhiều phóng viên và Copywriters ở Việt Nam.
 
Ảnh chụp từ tuoitre.vn
Có cả nguồn facebook, nguồn twitter, nguồn google....
Ảnh chụp trên tuoitre.vn

 
Bản thân tôi cũng là người đã viết bài cho rất nhiều báo và tạp chí, giấy có, báo điện tử có. Sau khi gửi bài lên các báo này thì tôi thấy điều kỳ lạ là ngoại trừ các báo khoa học dạng như tạp chí Tia Sáng của Bộ KH&CN, hay tạp chí CNTT&TT của Bộ TT&TT, còn đa phần các báo, thậm chí là báo điện tử, đều có tình trạng khi duyệt bài, các BTV thường xóa các đường link ra ngoài, kể cả đó là các chú dẫn nguồn gốc, trong khi với báo điện tử, việc đặt một đường link không phải khó khăn như báo giấy.

Như vậy việc này có lẽ xuất phát từ nhận thức của đội ngũ biên tập của các báo, không chỉ từ các phóng viên. Có khi đó là quy định của tòa soạn (không được đặt link ra ngoài), nhưng quy định này có lẽ dựa trên những nhận thức quá cũ, hãy nhìn các báo lớn như BBC, CNN sẽ thấy!

Khi thực hiện các chương trình huấn luyện nâng cao về viết bài và làm nội dung cho nhân viên công ty hay đào tạo đội ngũ webmaster (quản trị web), các copywriter (người sáng tạo nội dung), content writer (những người viết bài phục vụ content marketing) cho khách hàng... tôi thường rất lưu ý vấn đề này. Nhưng gần đây tôi thấy nó vẫn là một thiếu sót khi phát hiện ra rằng đáng ra nó nên được đào tạo trước tiên, cho phần nội dung "nhập môn".

Học viên của tôi cho rằng việc chú thích nguồn thì làm giảm uy tín của bài viết, bị cho rằng "xào bài"! Tôi bảo: Ơ kìa! thì bạn đang xào bài mà! Vì nếu không ghi rõ nguồn, chỉ ghi tên bạn là tác giả, hóa ra nội dung đó 100% là của bạn à? Mà bạn có che giấu mãi được không khi chỉ 1 click chuột là phát hiện ra bạn vay mượn bao nhiêu % trong đó?

Ở trong giới phần mềm nguồn mở, ngay cả các bộ mã nguồn được công khai trên mạng, gắn giấy phép tự do, nếu bạn sử dụng cho các sản phẩm của mình mà không ghi rõ nguồn tức là bạn không tuân thủ giấy phép, khi phát hiện ra sẽ bị coi là ăn cắp, bị cộng đồng tẩy chay mạnh mẽ, và trên lý thuyết thì vẫn có thể bị tác giả kiện như ăn cắp phần mềm độc quyền.

Khi phân tích tâm lý độc giả theo góc nhìn chuyên gia, việc chú thích nguồn thực tế không hề làm giảm uy tín của bài viết, mà thậm chí nó còn giúp tăng uy tín của thông tin khi bạn sử dụng và viện dẫn các nguồn tin uy tín. Người đọc cũng không mất quá nhiều công để kiểm tra độ chính xác của thông tin.

Với rất nhiều người hiện nay, thông tin không có ghi rõ nguồn chỉ để đọc cho vui, khi dùng vào công việc, người ta phải tự kiểm tra lại thông tin đó. Trang web nào càng xào lại bài nhiều mà không ghi rõ nguồn, càng bị đánh giá thấp. Cho dù là báo chí hay website bán hàng, cho dù là phóng viên hay copywriter, content writer.

Sau đây là một vài chú ý mà những người viết bài đăng tin hay gặp phải, cần chú ý:

1. Ảnh cần dẫn nguồn nếu sử dụng từ nguồn khác, của người khác (không phải ảnh chính bạn chụp)! Cần tìm đến nơi ảnh gốc xuất hiện, vì đa phần những gì bạn thấy cũng không phải bài gốc của họ mà họ đi copi lại, lấy ở đó (nếu họ cho phép hoặc chí ít là không cấm) và ghi rõ nguồn.

2. Chú thích ảnh không được ghi "Hình ảnh trên Internet" Chú thích cần giải thích nội dung, ý nghĩa của hình. Phần dẫn nguồn chỉ là nội dung phụ sau đó.

Hơn thế nữa, không bao giờ được ghi là "Nguồn: internet" hoặc "sưu tầm", vì nó thể hiện sự thiếu tôn trọng tác giả. Phải tìm ra nơi xuất phát ảnh gốc, ghi rõ nguồn, và tốt nhất là có tên tác giả!
ảnh chụp từ vnexpress
Ảnh chụp màn hình website vnexpress.net

3. Một số bạn sử dụng hình ảnh trực tiếp từ website khác và chèn vào bài, sau đó không chú thích gì cả, như thế cũng không được. Vì 2 lý do:

- Thứ nhất: Ảnh được chèn vào bài không phải ai cũng kiểm tra URL xem nó được nạp về từ website nào, họ chỉ xem trên bài viết của bạn, trong khi đó bạn không chú thích nguồn rõ ràng. Cho nên bạn vẫn vi phạm quyền tác giả!

- Thứ hai: Kể cả có chú thích nguồn thì em vẫn phải đưa hết ảnh về site của bạn, đề phòng website nguồn nó lỗi thì bạn mất ảnh!

4. Tin bài được bạn biên tập lại nhưng có nhiều câu giống tới từng dấu chấm dấu phẩy, như thế thì người ta không gọi là viết lại mà là trộn 2 bài với nhau. Loại này cần ghi nguồn tham khảo. Kể cả chỉ cần sử dụng 1 câu y hệt dấu chấm dấu phẩy thôi thì cần ghi dưới dạng trích dẫn, và dĩ nhiên cũng cần ghi nguồn. Không muốn ghi dưới dạng trích dẫn (vẫn phải ghi nguồn) thì phải sửa lại để không có câu nào giống của người ta. Ngoài ra, chỗ này cần thêm 2 chú ý:

- Thứ nhất: nếu đây là bài báo thì bạn không được biên tập lại nếu bạn không phải là nhà báo. Chỉ được phép copi nguyên bản có dẫn link đến bài gốc (nếu tác giả/ website giữ bản quyền cho phép copi, hoặc ít nhất là không cấm). Luật pháp Việt Nam quy định chỉ có báo chí (bao gồm báo điện tử) mới được phép đưa tin, các trang tin điện tử và trang tin điện tử tổng hợp chỉ được phép đăng lại nguyên văn bài từ các báo (nếu báo đó cho phép).

- Thứ hai: Nếu không phải bài báo, thì được phép biên tập, nhưng nguồn tin lấy ở đâu thì cần liệt kê cuối bài viết các tài liệu tham khảo (nếu là bài viết trên web thì cần có tên bài kèm đường link). Mà đã tham khảo thì nên tham khảo các nguồn sơ cấp (tin gốc), không nên tham khảo các nguồn thứ cấp (tin được xào lại).

5. Nếu sử dụng ảnh trên mạng, cần sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google, tìm đến ảnh gốc và kiểm tra giấy phép của ảnh. Rất có thể nguồn thứ cấp cho bạn sử dụng miễn phí nhưng nguồn ban đầu lại không cho phép. Như thế thì ngay cả nguồn tin thứ cấp đã vi phạm bản quyền rồi! Và không phải tự nhiên mà Google luôn có cảnh báo "Hình ảnh có thể có bản quyền". (*)
 
(*) Thực ra câu này bị dịch sai. Chuẩn phải là: Hình ảnh có thể bị giữ bản quyền. Tức là ảnh không được sử dụng tự do.
Có loại ảnh được sử dụng tụ do nhưng vẫn có bản quyền, đó là ảnh được cấp phép theo giấy phép Creative Commons quốc tế!

Tác giả: Nguyễn Thế Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây