Phát hành NukeViet 07.2023

HTML5 và cuộc xung đột CODEC

Chủ nhật - 31/10/2010 15:10

HTML5 và cuộc xung đột CODEC

Kể từ phiên bản trình duyệt FireFox 3.5 (2009), chuẩn HTML5 bắt đầu được thực hiện, nhờ đó việc đưa video (phim ảnh) và audio (âm thanh) vào trang web trở nên đơn giản, giống hệt trường hợp sử dụng hình ảnh. những tưởng từ nay web video có chuẩn chính thức. thế nhưng thực tế đang diễn ra theo chiều ngược lại: html5 khơi mào cuộc xung đột mới về chuẩn web video.

Trước HTML5, ngôn ngữ HTML (dùng để tạo nên trang web) không tính đến nội dung video/audio trong trang web (web video/audio), việc sử dụng web video/audio được "khoán trắng" cho các phần mềm bổ sung (plug-in). Trước năm 2005, các phần mềm bổ sung thông dụng cho trình duyệt để tạo nên web video/audio là QuickTime Player, Windows Media Player và RealPlayer. Dù chỉ hiện diện vài loại player thông dụng, thực ra có "vô số" dạng thức video, khác nhau về dạng thức tập tin lưu trữ (container format), khác nhau về phương pháp mã hóa và giải thuật nén - thường được gọi là codec (coder/decoder). Dù đã trang bị các player cần thiết, người dùng máy tính đôi khi bỗng phát hiện mình có nhu cầu thêm thắt codec nào đó cho player để xem được một đoạn video trên web.

Tình trạng "trăm hoa đua nở" của dạng thức video bắt nguồn từ sự phức tạp của vấn đề bản quyền phần mềm (software license) và bản quyền sáng chế phần mềm (software patent). Bản quyền sáng chế phần mềm đôi khi chỉ gắn với một giải pháp nhỏ được dùng trong phần mềm. Dạng thức video MPEG-4 AVC (dùng codec H.264) gắn với trên 1000 bản quyền sáng chế khác nhau, được nắm giữ bởi 29 công ty tại 57 quốc gia (!). Nhà sản xuất phần mềm video (công cụ đọc/ghi, chỉnh sửa, dàn dựng video) dù đã mua được quyền cần thiết để sử dụng mã nguồn đọc/ghi dạng thức video nào đó, vẫn phải thương lượng với tất cả những pháp nhân đang nắm giữ bản quyền sáng chế có liên quan. Nếu vi phạm bản quyền sáng chế, người làm phần mềm video phải chi trả một khoản bồi thường không nhỏ khi bị kiện. Do vậy, việc tìm kiếm giải pháp kỹ thuật riêng, "không giống ai", có khi dễ dàng hơn dùng lại giải pháp có sẵn.

Từ năm 2005, phần mềm bổ sung thông dụng nhất cho trình duyệt để tạo nên web video là Flash Player. Hiện nay, Flash Player được cài đặt trên 98% máy tính có kết nối internet. Khoảng 80% web video được hiển thị bằng Flash Player. Flash video (video được hiển thị bằng Flash Player) đã trở thành "chuẩn thực tế" trên web. Người lướt web hầu như không còn gặp rắc rối liên quan đến dạng thức video.

Flash video - "chuẩn thực tế"

Flash Player vốn là phần mềm bổ sung cho trình duyệt để hiển thị những hoạt cảnh hoặc trò chơi trên trang web. Từ năm 2000, những người làm Flash bắt đầu tạo ra web video bằng cách hiển thị lần lượt từng khung hình của một đoạn phim thực sự.

Nhanh chóng nhận ra nhu cầu to lớn của việc hiển thị video bằng Flash Player, Công ty Macromedia xây dựng dạng thức video mới FLV và công cụ chuyển đổi nhiều dạng thức video khác nhau thành FLV. Người dùng công cụ Flash MX (tức Flash 6) dễ dàng trình diễn video ở dạng thức FLV. Để xây dựng dạng thức FLV, Macromedia mua quyền sử dụng codec Sorenson Spark.

Trong Flash MX 2004 (tức Flash 7), Flash video được cải tiến, trở thành stream video (video được hiển thị ngay trong quá trình tải xuống từ máy chủ). Với Flash 8, Flash video được cải tiến thêm một bước quan trọng: dạng thức FLV có giải thuật nén tốt hơn nhiều so với các dạng thức video khác nhờ sử dụng codec VP6 của Công ty On2, rút ngắn đáng kể thời gian tải xuống từ máy chủ. Điều này khiến những người sáng lập YouTube năm 2004 quyết định dùng Flash video trong toàn bộ dự án của mình.

Sau YouTube, MySpace dùng Flash video cho chức năng chia sẻ video. Có mặt đúng lúc, đúng chỗ, Flash video trở nên phổ biến cùng với sự lớn mạnh của trào lưu mạng xã hội. Các tờ báo lớn tại Mỹ như Washington Post, The New York Times cũng quyết định dùng Flash video trong những bài báo của mình, để rồi phút chốc trở thành "công ty truyền hình" với thế và lực mới, mà không cần xây dựng kênh truyền hình thông thường.

Công nghệ Flash là mục tiêu chủ yếu của Công ty Adobe khi mua lại Macromedia vào năm 2005. Flash Player ngày càng phổ biến, dần dần trở thành nền tảng hấp dẫn cho nhiều loại phần mềm ứng dụng. Phần mềm chạy bởi Flash Player độc lập với hệ điều hành, độc lập với thiết bị cụ thể. Đó chính là lý do khiến Công ty Apple kiên quyết khước từ Flash Player trên các thiết bị di động iPhone, iPod Touch và iPad. Sự tẩy chay của Apple đối với Flash Player chỉ hạn chế phần nào bước tiến của công nghệ Flash (các loại máy tính bảng khác lại xem sự hiện diện của Flash là ưu thế cạnh tranh của mình so với thiết bị di động của Apple). Mối đe dọa thực sự đối với công nghệ Flash xuất phát từ HTML5.


Đoạn phim thử nghiệm dạng thức video OGG/Theora (trích từ phim truyện nguồn mở "Thỏ Bự Big Buck Bunny")

HTML5 video - "chuẩn ước vọng"

Chuẩn HTML5 xem video/audio là một phần nội dung của trang web. Trình duyệt tuân theo chuẩn HTML5 có khả năng hiển thị video mà không cần player bổ sung. Những người soạn thảo chuẩn HTML5 lúc đầu dự định chọn dạng thức video mở OGG (dùng codec Theora) làm dạng thức video chuẩn. Codec Theora bắt nguồn từ codec VP3 của Công ty On2. On2 tự nguyện xác lập bản quyền phần mềm tự do đối với codec VP3. Tuy nắm giữ hầu hết bản quyền sáng chế liên quan đến VP3, On2 cho phép tự do khai thác codec VP3, không thu phí.

Dạng thức video mở OGG tạo điều kiện cho Tổ chức Mozilla thực hiện chuẩn HTML5 trong trình duyệt Firefox. Mozilla cùng những tổ chức nguồn mở khác không phải tốn kém chi phí lâu dài để mua quyền sử dụng dạng thức video. Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ tư hữu trong phần mềm nguồn mở tiềm tàng những rắc rối pháp lý.

Trong khi Opera cũng ủng hộ codec Theora, Google và Apple lại không tán đồng việc dùng Theora làm codec chuẩn. Điều này tác động vào việc soạn thảo chuẩn HTML5: HTML5 bỏ ngỏ dạng thức video, để các trình duyệt tự quyết định. Google mua quyền sử dụng codec H.264 để dùng cho trình duyệt Chrome. Apple cũng làm như vậy cho trình duyệt Safari.

Chris DiBona - người quản lý các dự án nguồn mở tại Google - nhận định: "Nếu YouTube chuyển qua dùng Theora, YouTube có lẽ sẽ ngốn gần hết băng thông của internet dù chỉ giữ nguyên chất lượng video hiện nay ".

Nhiều ý kiến từ cộng đồng nguồn mở phản đối phát biểu "vô căn cứ" của DiBona. Các cuộc thử nghiệm so sánh Theora và H.264 lập tức được tiến hành nhằm chứng tỏ Theora và H.264 có chất lượng tương đương (http://people.xiph.org/~greg/video/ytcompare/comparison.html).

Để chống lại codec tư hữu H.264, ủng hộ codec tự do Theora, Tổ chức Phần mềm Tự Do (Free Software Foundation - FSF) khởi động chiến dịch Play OGG nhằm khuyến khích sử dụng rộng rãi dạng thức video OGG (http://www.playogg.org/). Cụ thể hơn, phong trào Let's get video on Wikipedia hô hào sử dụng dạng thức video OGG trong bách khoa toàn thư mở Wikipedia (http://videoonwikipedia.org).

Kevin Lynch - giám đốc kỹ thuật của Adobe - cảnh báo rằng sự bất đồng về codec có thể dẫn đến thời kỳ hỗn mang của web video như trước kia.


Let's get video on Wikipedia - phong trào vận động dùng dạng thức video OGG/Theora trên Wikipedia

Ngày 16/2/2010, On2 được sáp nhập vào Google. Google trở thành chủ nhân của codec VP8, một trong những codec tiên tiến hiện nay. Codec VP8 tạo ra lưu lượng dữ liệu video bằng một nửa so với codec H.264 nhưng có chất lượng hình ảnh tương đương. Holmes Wilson - đại diện FSF - nhanh chóng gửi cho Google bức thơ mở (http://www.fsf.org/blogs/community/google-free-on2-vp8-for-youtube):

"Google thân mến,

Với việc mua lại On2, giờ đây các bạn vừa sở hữu website chia sẻ video lớn nhất thế giới (YouTube), vừa sở hữu mọi bản quyền sáng chế liên quan đến codec chất lượng cao VP8. Hãy nghĩ đến những gì các bạn sẽ đạt được khi làm cho VP8 trở thành codec tự do. Hãy xác lập bản quyền tự do không thể đảo ngược cho VP8 và đưa VP8 đến người dùng ở YouTube. Các bạn có thể chấm dứt sự phụ thuộc của web vào những dạng thức video bị vướng víu bởi bản quyền sáng chế và chấm dứt sự phụ thuộc của web vào phần mềm tư hữu (Flash).

(...) Nếu các bạn quan tâm đến phong trào phần mềm tự do, quan tâm đến web tự do (những gì đã tạo nên thành công của các bạn), các bạn phải hành động quyết liệt để thay thế Flash bởi các chuẩn tự do, bởi các dạng thức tự do. Không thể kể hết những tác hại của việc dùng codec tư hữu cho web, cho người dùng web.

(...) Nếu các bạn chỉ mua lại On2 để tìm một giải pháp cho riêng mình, đó là sự trốn tránh trách nhiệm, là một sai lầm chiến lược. Nếu các bạn không làm cho VP8 trở thành dạng thức tự do, VP8 chỉ đơn thuần là một codec khác. Các bạn có một món nợ đối với mọi người, đối với những gì đã đưa các bạn đến vị thế có thể giải quyết vĩnh viễn vấn đề lớn này, cho tất cả chúng ta...".

Google đang có vai trò quyết định trong việc giải quyết cuộc xung đột codec. Cộng đồng nguồn mở xôn xao: liệu Google có đủ thiện chí để đặt lợi ích của web lên trên lợi ích (ngắn hạn) của riêng mình?

NGỌC THẠCH

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây