Kính thưa Quí vị khách mời,
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Đại hội,
Hôm nay tôi rất vinh dự được thay mặt cho Câu lạc bộ PMTDNM Việt Nam (VFOSSA), tổ chức đại diện cho cộng đồng PMTDNM trong cả nước, chi hội thành viên mới của đại gia đình Hội Tin học VN (VAIP), phát biểu trước Đại hội 7 của Hội. Trước tiên, tôi xin thay mặt CLB và cộng đồng PMTDNM cả nước chân thành cảm ơn BCH Hội THVN khóa 6 đã kết nạp chúng tôi vào Hội, cảm ơn Đoàn Chủ tịch đã cho chúng tôi được phát biểu tham luận tại Đại hội. Tôi xin kính chúc sức khỏe các quí vị khách mời, các quí Đại biểu và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Kính thưa Đại hội,
Cùng với sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin & truyền thông và cộng đồng CNTT của cả nước, cộng đồng PMTDNM Việt Nam cũng được hình thành khá sớm, từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Sau những ngày đầu bồng bột và đầy hứng khởi của những năm 99-2000 với sự ra đời của những nhóm như Vietkey Linux, CMC Linux tại Hà Nội, VietLUG ở Tp HCM và những hệ điều hành GNU/Linux được Việt hóa và tùy biến cùng tên, sản phẩm đầu tay của các nhóm này, phong trào bước vào giai đoạn khó khăn và trầm lắng 2001-2004. Thực sự PMTDNM trong giai đoạn đó trên thế giới nói chung còn chưa thực sự đủ chín, đủ thân thiện với người sử dụng thông thường. Ngoài ra giai đoạn này cũng là giai đoạn phát triển cực thịnh của các phần mềm sở hữu thương mại. Tuy nhiên cộng đồng PMTDNM vẫn âm thầm phát triển và càng ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp cận gần hơn với người sử dụng, tiếp tục tận dụng các thành quả của cộng đồng PMTDNM thế giới, tuyên truyền, phổ biến PMTDNM trong cộng đồng CNTT ở Việt Nam, đặc biệt tại các Đại học. Các tâm gương tiêu biểu sử dụng và phổ biến PMTDNM trong giai đoạn này có thể kể đến Viện TH Pháp ngữ, Văn phòng tổ chức ĐH Pháp ngữ tại Hà Nội, trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội, các nhóm Ha-cao, VietLUG tại Tp HCM.
Từ năm 2004-2005, phong trào PMTDNM thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc mới với sự ra đời của nhân Linux 2.6, bộ PM văn phòng OpenOffice.org phiên bản 2, các hệ điều hành Ubuntu, Fedora, các LiveCD thân thiện người dùng cuối hơn nhiều, tương thích phần cứng tốt hơn, sử dụng Unicode mặc định, các bộ gõ đa ngôn ngữ được chuẩn hóa, giao diện đồ họa cho người sử dụng thân thiện, bắt mắt, với các tính năng không thua kém, đôi khi còn vượt trội so với PM thương mại. Cộng đồng PMTDNM VN cũng tận dụng cơ hội này và bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong giai đoạn này, trước tiên phải nhắc tới sự ra đời của nhóm người sử dụng Linux HanoiLUG, một nhóm cộng đồng mạng hoạt động chủ yếu thông qua thư điện tử và diễn đàn trực tuyến. Trong số các nhóm cộng đồng mạng PMTDNM tại Việt Nam, có thể nói HanoiLUG là nhóm có tổ chức nhất, thành viên có ở hầu khắp các địa phương, nhiều người ở nước ngoài, qui tập được nhiều thành viên ưu tú, chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về PMTDNM. Với hơn 300 thành viên, tuy không nhiều nhưng tích cực, HanoiLUG là diễn đàn khá sôi động, nơi giải đáp hầu hết các thắc mắc về Linux và PMTDNM. HanoiLUG cũng là hạt nhân trong việc tổ chức các sự kiện như ngày hội quốc tế Tự do cho Phần mềm cuối tháng 9 hàng năm, ngày quốc tế Tự do cho tài liệu, nòng cốt của nhóm việt hóa bộ PM văn phòng OpenOffice.org và các PMTDNM, dự án MOST, v.v...
Từ năm 2007-2008 đến nay, chúng ta chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các nhóm cộng đồng mạng PMTDNM khác, chuyên biệt hơn, kích thước cũng lớn hơn. Có những nhóm con số thành viên đã lên đến hàng vạn hay hàng nghìn người như: Cộng đồng NukeViet với sản phẩm quản trị nội dung cùng tên vừa đoạt giải ba Nhân tài đất Việt năm 2011 có trên 2 vạn thành viên, tiếp đến diễn đàn ubuntu-vn với thành viên chủ yếu là SV tại các Đại học qui tụ 2 vạn thành viên. Cộng đồng PHP Việt Nam cũng có đến vài ngàn thành viên. Ngoài ra còn có các nhóm cộng đồng khác có từ vài trăm đến vài chục thành viên như SaigonLUG, Fedora VN, HueLUG và gần đây MekongLUG,...
Bên cạnh sự phát triển của cộng đồng, nhiều Cty giải pháp PMTDNM cũng đã ra đời và bước đầu đã có đóng góp cho xã hội và sự phát triển của ngành CNTT&TT nước nhà. Những tổ chức và Cty đi đầu trong việc cung cấp các ứng dụng nguồn mở hoặc dựa trên nguồn mở có thể kể đến như Vietsoftware, Asianux VN, iWay Việt Nam, VINADES, NetNam, Viện CngTT&NDS (NISCI) ở Hà Nội, HueSoft ở Huế, iNet Solutions ở Tp HCM, và nhiều đơn vị, Cty nữa chúng tôi còn chưa có thông tin đầy đủ.
Cộng đồng PMTDNM VN trong những năm qua, thông qua một số cá nhân và nhóm, đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của Hội TH VN : chủ trì nội dung thi PMNM của Olympic TH toàn quốc các trường ĐHCĐ hàng năm từ 2006 đến nay, chủ trì cuộc thi MHST SV viết PMTDNM mỗi kỳ hè từ 2009 đến nay. Tất cả các cuộc thi này đều đã diễn ra thành công và đóng góp vào việc tăng thêm nhận thức về PMTDNM trong sinh viên các trường ĐH&CĐ, phát hiện và ươm mầm các tài năng PMTDNM cho đất nước. Về phía Nhà nước, chúng tôi còn được Bộ TT&TT mời vào nhóm tư vấn để giúp Bộ xây dựng chính sách quốc gia về ứng dụng PMTDNM, được Bộ KH&CN giao thực hiện dự án MOST Việt hóa các PMTDNM tiêu biểu để phổ biến trên diện rộng.
Để đạt được những thành tựu kể trên, bên cạnh những nỗ lực và nhiệt huyết của hàng ngàn cá nhân thành viên cộng đồng đã đóng góp công sức, thời gian một cách vô tư và hoàn toàn tự nguyện, chúng tôi cũng phải kể đến sự ủng hộ và giúp đỡ về nhiều mặt của các Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Hội TH VN, Báo TH&ĐS, chương trình KH&CN của VTV2, các trường ĐH trong cả nước, Tổ chức Đại học Pháp ngữ. Chúng tôi cũng đã nhận được sự ủng hộ và tài trợ dưới nhiều hình thức của các Cty trong nước và quốc tế trong các hoạt động liên quan đến PMTDNM như : hãng Intel Corp., các Cty NetNam, Misa, Vietsoftware, iWay Việt nam, SchoolNet, iNet Solutions, VINADES, Viamisoftware, Viện NISCI. Từ diễn đàn này cho phép tôi thay mặt Cộng đồng PMTDNM Việt Nam xin gửi lời tri ân đến tất cả các Bộ, các tổ chức, cơ quan và công ty đã nêu trên và hy vọng trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của quí vị.
Kính thưa Đại hội,
PMTDNM trên thế giới ngày nay đã không còn đơn thuần là một phong trào trong các Đại học nữa mà đã trở thành một xu hướng phát triển, một mô hình sinh thái phát triển bền vững, một sự lựa chọn mà các nhà hoạch định chính sách CNTT bắt buộc phải tính đến, từ cấp quốc gia, các tập đoàn kinh tế, các công ty lớn, đến cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại các nước công nghiệp phát triển, các cơ quan, doanh nghiệp đều có chính sách nguồn mở là một phần của chính sách CNTT. Rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt tại các nước công nghiệp phát triển, đã và đang đưa PMTDNM vào sử dụng trên diện rộng.
Việc sử dụng PMTDNM không chỉ góp phần giảm chi phí bản quyền giấy phép mà điều quan trọng hơn là giúp tránh sự phụ thuộc công nghệ vào một hay vài nhà cung cấp độc quyền, tăng cường tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Sử dụng PMTDNM cũng đồng nghĩa sử dụng chuẩn mở, khuôn dạng dữ liệu mở. Nhờ thế tính tương tác trở nên dễ dàng và trong sáng hơn, an ninh, an toàn hệ thống cũng nhờ tính mở mà được tăng cường. Các đơn vị, cơ quan, tổ chức... sử dụng có thể tùy biến, phát triển phần mềm đã có theo nhu cầu riêng của mình mà không phải làm lại tất cả từ đầu.
Ở Việt Nam, PMTDNM ngày nay không còn là một khái niệm xa lạ. Lợi ích mà PMTDNM có thể đem lại cho một nước nghèo như Việt Nam cũng đã được nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách, thông tư ưu tiên, khuyến cáo đên bắt buộc ứng dụng PMTDNM trong các trường học và các cơ quan công quyền. Tuy nhiên nhìn vào thực tế, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy rằng việc ứng dụng và phát triển các giải pháp nguồn mở tại nước ta vẫn còn tụt hậu khá xa so với các nước trên thê giới, kể cả trong khu vực. Tỷ lệ dùng PM không có giấy phép vẫn trong số các nước hàng đầu thế giới. Đây là một thực tế đáng để chúng ta suy nghĩ và tìm cách cùng nhau tháo gỡ trong nhiệm kỳ tới của Hội Tin học VN. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, để đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT như trong đề án đã được Thủ tướng CP phê chuẩn, vai trò của PMTDNM là quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong hệ sinh thái CNTT nước nhà.
Kính thưa các quí vị đại biểu,
Kính thưa Đại hội,
Những con số và sự kiện tôi đã báo cáo ở trên chỉ ra rằng cộng đồng PMTDNM VN trong những năm qua đã có những bước phát triển về chất và hiện nay đã trở thành một lực lượng đáng kể, một thành phần không thể thiếu của cộng đồng CNTT&TT nước nhà. Sự ra đời của CLB PMTDNM VN, chi hội thành viên của Hội THVN, là một sự ghi nhận của Hội với những đóng góp của chúng tôi. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào được trở thành một thành viên đầy đủ của đại gia đình VAIP.
Thay cho lời kết của bản tham luận này, tôi xin thay mặt cho cộng đồng PMTDNM VN gửi đến các vị lãnh đạo Nhà nước, các đại biểu của các chi hội thành viên thông điệp sau đây: cộng đồng PMTDNM Việt Nam đã và đang hiện hữu, đông đảo hơn bạn tưởng, đã có tổ chức đại diện chính thức của mình. Chúng tôi luôn đứng cạnh các bạn, sẵn sàng chia sẻ với các bạn tất cả những gì chúng tôi đang có, vì chúng tôi là nguồn mở. Chúng tôi cam kết luôn sẵn sàng hợp tác, kể cả các bạn ở rất xa vì với Internet, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề. Khi có vấn đề cần giải quyết, trước khi quyết định đầu tư phần mềm, hãy đặt câu hỏi: có giải pháp nguồn mở hay dựa trên nguồn mở nào không. Nếu bạn cần câu trả lời về PMTDNM, hãy liên lạc với chúng tôi. Địa chỉ trang web của chúng tôi sẽ có mặt trên trang web của Hội và sẽ chỉ đường cho các bạn đến với chúng tôi.
Xin cảm ơn quí vị đã chú ý lắng nghe.Nguyễn Hồng Quang
Tác giả: VINADES.,JSC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn