Phát hành NukeViet 22.03.2024

Tiếp tục triển khai quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử

Thứ năm - 08/03/2018 22:38
Mục tiêu cao nhất là tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có phần đóng góp quan trọng, mang tính mở đường của ngành CNTT, viễn thông. Do đó, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả và công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện các thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

chinh phu dien tu 1 1



Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, đặc biệt trong năm 2017 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, tích cực triển khai ứng dụng CNTT, tăng cường kết nối liên thông, mở rộng thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ điện tử dần đi vào thực chất, các bộ, ngành, địa phương, cùng với việc tích cực triển khai các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, các kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Theo thống kê, đến nay tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a mới đạt 61,9%. Một số nhiệm vụ của bộ, ngành đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện xong, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, hay việc cấp phép qua mạng điện tử mới bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể…

Trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT, đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai một số giải pháp cụ thể. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT (các chính sách về đầu tư, ưu đãi về thuế, thuê sản phẩm và dịch vụ CNTT, tạo thị trường cho sản phẩm CNTT trong nước…).

Tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội; khẩn trương xây dựng, đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu quốc gia, được coi là khối tài sản thông tin chung làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, nhà nước, tại tất cả các cấp trong hệ thống chính quyền để phục vụ cải cách hành chính, trong đó người đứng đầu các cơ quan phải gương mẫu thực hiện trước.

Nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên Hiệp quốc đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); thường xuyên phối hợp với các cơ quan điều tra, đánh giá của Liên hiệp quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam.

Khẩn trương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân (dự kiến trong kỳ họp thứ 5 năm 2018 Quốc hội khóa XIV), nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT trong nước.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT trong toàn xã hội và trong hệ thống các cơ quan nhà nước, xác định CNTT là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam; nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên tinh thần không chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay là có tính thời sự quốc tế mà cần có các biện pháp, hành động cụ thể.

Về tiến độ hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử thực sự, trong năm 2018, để đẩy nhanh việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, đối với Văn phòng Chính phủ, đơn vị chủ trì trong việc tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 36a tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về: Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương năm 2018; Kế hoạch xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản bốn cấp chính quyền hành; Kế hoạch thực hiện Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện kết nối, liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 12 năm 2018; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử và các văn bản liên quan.

Tại Việt Nam, việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ với mục tiêu cao nhất là tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Nguồn tin: pcworld

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây